Dienstag, 19. Februar 2013

Cố GS NGUYỄN VĂN PHÚ


1927 - 2013
Cố GS NGUYỄN VĂN PHÚ, nguyên Hiệu trưởng trường Trung Học Tư Thục Hưng Đạo Sài Gòn,
Giáo sư Toán và là tác giả nhiều sách Toán bậc Tú Tài trước năm 1975 tại miền Nam Việt Nam.
THƯ GỬI CON CHÁU
NGUYỄN VĂN PHÚ
Các con thân yêu,
Nay, bố mẹ tuổi đã 80, thế cũng là khá thọ so với các thế hệ trước bố mẹ. Bố mẹ đã nhiều lần nói chuyện với các con về một số vấn đề, nhưng không phải lúc nào cũng có đủ các con cùng nghe. Hơn nữa, không chắc các con đã nhớ hết những lời nói của bố mẹ. Vì thế mới có lá thư này để tóm tắt những ý kiến chính mà bố mẹ muốn gửi đến các con. Còn các cháu thì chỉ nói mà ít đọc được tiếng Việt, nên các con hãy liệu cách truyền đạt lại ý của bố mẹ và giảng giải cho các cháu biết, chẳng những biết mà phải hiểu kỹ những điều bố mẹ viết ra đây ngày hôm nay.
Biết Ơn. Các con ạ, trên đường tỵ nạn cộng sản, tìm tự do, chúng ta đã bỏ lại tất cả, tài sản, bàn thờ và mồ mả tổ tiên. Khi đến định cư nơi quê hương thứ hai này, chúng ta đã được chính quyền và dân chúng đón tiếp và giúp đỡ. Hiện nay, đời sống của chúng ta đã ổn định. Chúng ta phải biết ơn đất nước này và hãy tìm cách góp phần làm cho đất nước này tươi đẹp hơn, giàu mạnh hơn để đền đáp phần nào cái ơn đó.
Lý Do Tỵ Nạn. Các con cần giảng rõ cho các cháu biết lý do nào đã khiến cho gia đình chúng ta tới đây cùng với hàng vạn gia đình khác, đó là: chúng ta tỵ nạn cộng sản, đi tìm tự do. Các cháu được sống trong một xã hội dân chủ, tự do từ lúc mới sinh ra nên không thể tưởng tượng nổi tính dối trá và các thủ đoạn nham hiểm của cộng sản. Các cháu khó có thể tin được tại sao con người đối với nhau mà lại tàn ác như vậy. (Có thể cho các cháu coi phim Journey from the Fall – Vượt Sóng, do Trần Hàm đạo diễn, khởi chiếu 30-4-2005). Cộng sản hành động rất ác nhưng nói rất khéo và che đậy rất giỏi! Vì thế phải giải thích cho các cháu hiểu, không phải để hận thù mà là để biết sự thật. Có một câu mà nhiều người hay nhắc: “Ðừng nghe những gì cộng sản nói, mà hãy nhìn những gì cộng sản làm.”
Quê Cha Ðất Tổ. Dù công việc bận rộn đến mấy, các con hãy dành thì giờ nghiền ngẫm những trang lịch sử và địa lý Việt Nam, để biết nguồn gốc dân tộc, sự hình thành đất nước, những bước thăng trầm, những nỗi vinh nhục, những khôn ngoan và lầm lỗi của ông cha ta. Và từ đó chúng ta rút ra những bài học. Có những trang sử oai hùng, mà cũng có những trang sử đẫm nước mắt. Có khi nước ta bị đô hộ khổ nhục cả ngàn năm, mà cũng nhiều khi dân ta anh dũng vùng lên phá xiềng xích, giành tự chủ. Lại cũng có khi người mình đi xâm chiếm tàn phá nhiều nước khác, thí dụ gần đây nhất là mười năm tàn phá Cao Mên, gây nên căm hờn của nước láng giềng và để lại cái nghiệp nặng mà các thế hệ sau sẽ còn phải gánh chịu!
Lịch Sử Gần Ðây. Nước ta bị Pháp đô hộ từ cuối thế kỷ 19. Khoảng 1940, đại chiến thế giới bùng nổ. Ở nước ta, Nhật đảo chánh Pháp ngày 9-3-45. Vua Bảo Ðại tuyên bố hủy bỏ hiệp ước bảo hộ ký với Pháp, rồi giao cho ông Trần Trọng Kim thành lập chính phủ đầu tiên của nước Việt Nam độc lập. Phe Trục gồm Ðức, Ý, Nhật thua Ðồng minh gồm Anh, Pháp, Mỹ, Liên Xô, Trung Hoa. Ngày 19-8-45, Việt Minh cướp chính quyền của chính phủ Trần Trọng Kim, tuyên bố thành lập nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Nhưng không được bao lâu, Pháp tìm cách quay lại. Cuộc toàn quốc kháng chiến chống Pháp bắt đầu ngày 19 tháng 12, 1946. Khi phe Việt Minh lộ rõ bản chất cộng sản, các đảng phái quốc gia trước nguy cơ bị họ tiêu diệt dần, đã trở về vùng quốc gia là nơi đã thiết lập một chính quyền khác với chính quyền vùng kháng chiến mà thực chất là cộng sản. Sau trận Ðiện Biên Phủ, Hiệp định Genève 1954 chia đôi đất nước: miền Bắc là Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, miền Nam là Việt Nam Cộng Hòa. Miền Bắc công khai theo khối cộng sản, tiến hành xâm lăng miền Nam bằng võ lực và che mắt thế giới bằng con bài Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam. Miền Nam được Hoa Kỳ và đồng minh của khối tự do ủng hộ để ngăn sự bành trướng của cộng sản. Khi quân xâm lăng mạnh lên thì Hoa Kỳ đổ quân vào miền Nam, bắt đầu vào 1960, và chiến tranh trở nên khốc liệt.
Năm 1972, sau khi Liên Xô và Trung Quốc trở thành đối nghịch thì tổng thống Nixon đến Trung Quốc ký Thỏa hiệp Thượng Hải. Hoa Kỳ không cần đến “tiền đồn chống cộng” nữa nên bỏ rơi Việt Nam Cộng Hòa! (Soạn phẩm Khi đồng minh tháo chạy của tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng cho biết những sự thật phũ phàng về sự bội ước và tháo chạy của Mỹ.) Theo Hiệp định Paris 1973: Hoa Kỳ rút quân khỏi miền nam Việt Nam, chỉ để lại một số cố vấn mà thôi, còn quân Bắc Việt vẫn ở lại! Cộng sản Bắc Việt tiếp tục xâm lăng miền Nam với nhiều viện trợ của cộng sản quốc tế. Việt Nam Cộng Hòa dù tự vệ can trường đến mấy, mà không đủ vũ khí, xăng dầu… thì chắc chắn là kém thế. Ngày 30 tháng Tư 1975, thủ đô Sài Gòn thất thủ. Cuộc di cư tỵ nạn cộng sản, tìm tự do bắt đầu. Từ đây trở đi, chính các con biết khá nhiều chi tiết.
Suy Xét Thông Tin và Sử Liệu. Thời buổi này, thông tin rất nhiều, quá nhiều. Người ta viết về Việt Nam, về chiến tranh Việt Nam nhiều lắm, có cả phim ảnh nữa, nhưng trung thực thì chẳng được bao nhiêu. Có người viết trung thực nhưng chỉ nhìn được một khía cạnh của vấn đề, hệt như “những anh mù sờ voi”. Có người cố ý bẻ cong sự thật, nhằm đạt mục đích riêng của mình. Có người – kể cả nhà tu – còn bịa đặt thêm chuyện để vu khống người khác! Tệ nhất là khi kẻ cầm quyền hay tay sai của họ viết sử. Nhà văn Alex Haley đã viết ở dòng cuối tác phẩm Roots (Nguồn cội): “Rốt cuộc, chính kẻ chiến thắng là kẻ viết sử.” Cho nên, bố mẹ ân cần dặn các con và nhất là các cháu rằng khi đọc tài liệu, sách vở và coi phim về Việt Nam thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21, dù là của tác giả nào, kể cả Âu-Mỹ, cũng phải hết sức thận trọng và suy xét thông minh.
Theo bố mẹ thì cuộc chiến 1954–1975 ở nước ta là chiến tranh Nam Bắc, là nội chiến, là chiến tranh ủy nhiệm, là đối đầu giữa hai khối cộng sản và tự do; khí giới nước ngoài, máu dân Việt mình. Ðối với người miền Nam, đó là chiến tranh tự vệ. Còn cộng sản Bắc Việt thì tuyên truyền và giáo dục quần chúng rằng đó là chiến tranh chống Mỹ-Ngụy và thống nhất đất nước. Kẻ thắng kiêu ngạo và tàn ác, người thua uất hận trong tủi nhục. Mấu chốt của sự chia rẽ trầm trọng trong dân tộc ta nằm ở điểm ấy (kể ra thì dân tộc ta còn nhiều sự chia rẽ khác nữa). Chưa thay đổi được hai cách nghĩ đó thì chưa nói tới hòa hợp dân tộc được! Hàng triệu người đã chết, tuy đất nước được thống nhất mà lòng người đến nay vẫn còn chia rẽ.
Về Thăm Việt Nam. Có vài vị hỏi bố mẹ đã về thăm Việt Nam chưa. Câu trả lời là chưa; vì lý do sức khỏe. Ðã có rất nhiều người về Việt Nam, mỗi người một lý do, mỗi người một mục đích, mỗi người một cách nhìn! Về để chăm sóc cha già mẹ yếu, thăm nuôi người thân, về để sửa sang phần mộ tổ tiên, về để giảng dạy cho sinh viên, để nhìn lại quê hương, những điều ấy là chính đáng. Về để cứu trợ nạn nhân của các thiên tai hay giúp đỡ đồng bào nghèo túng mà không vì danh vì lợi, cũng là việc tốt. Về để ăn chơi, để du lịch rẻ tiền, để cầu danh lợi, để xin vài tấm bằng khen, thì không nên.
Sau này, khi trong nước thay đổi thật sự, các con có thể đưa các cháu về thăm quê hương. Bố mẹ biết trước rằng các cháu sẽ không xúc động lắm đâu vì con người ta phải có kỷ niệm, phải có gắn bó thì mới xúc động được. Các con hãy cố hướng dẫn cho các cháu yêu đất nước, dân tộc và đồng bào Việt Nam, đừng để cho các cháu chỉ là những khách du lịch bình thường. Còn việc các con hay các cháu sẽ về làm ăn sinh sống tại Việt Nam thì bố mẹ nghĩ rằng điều đó rất khó xẩy ra.
Hiện Tình Ðất Nước. Nếu có ai nói rằng Việt Nam nay đã tiến bộ (đa số người dân nay đã được ăn cơm thay vì cơm trộn bo bo, có nhiều xe gắn máy và xe hơi thay cho xe đạp... ; chẳng lẽ sau 30 năm im tiếng súng mà không có tiến bộ!) thì đó là một vài tiến bộ so với chính Việt Nam chứ nếu đem so sánh Việt Nam với các nước láng giềng thì đáng xấu hổ về nhiều mặt (như Cao Mên mà cũng còn có đảng đối lập). Muốn biết những sự thật ở Việt Nam đằng sau những “bin đinh” cao ngất, những “ô tô con” bóng loáng, những khách sạn năm sao, những sân “gôn” tân kỳ, thì phải theo rõi tin tức trong nước để thấy sự băng hoại trầm trọng về nhiều phương diện (nhất là về giáo dục), sự hiện diện của tư bản đỏ, của quốc nạn tham nhũng, sự phung phí tài nguyên quốc gia, và phải đích thân đến thăm đồng bào nơi các vùng xa xôi nghèo khó. Chúng ta cần biết sự thật, không tô hồng mà cũng chẳng bôi đen!
Ðể tạm hiểu hiện trạng nước ta, các con tìm đọc bài nói của tiến sĩ Lê Ðăng Doanh, nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Trung ương Hà Nội. Ông ta thuyết trình các sự thật cho các cán bộ cao cấp nhất của cộng sản Việt Nam nghe. Bài nói này gần đây mới được tiết lộ ra ngoài. Bài giới thiệu viết: “Mọi người phải chú ý tới những con số cho thấy sự thật phũ phàng về nền kinh tế Việt Nam. Ông Doanh cho thấy cả tình trạng yếu kém của nền kinh tế lẫn tính chất phi dân chủ của chế độ cộng sản ở Việt Nam. Từ đó ông dám nói thẳng cả cơ cấu chính trị cũng hỏng, phải thay đổi” (Ngô Nhân Dụng, nhật báo Người Việt, ngày 30-3-2005).
Ông Doanh kể lại rằng một chuyên viên tài chánh quốc tế đã đặt câu hỏi với ông như sau: “Chúng mày giỏi thế mà chúng mày nghèo lâu đến thế, là thế nào? Trí tuệ như thế này, truyền thống như thế này, sao mày ăn xin hoài thế? Chúng mày cứ đề ra cái mục tiêu là đến bao giờ chúng mày đừng đi ăn xin nữa, có được không?” Thật là một mối nhục chung cho cả nước! Nước ta đâu có hèn kém, dân ta đâu có lười biếng. Do đâu mà khổ nhục đến thế? Do độc tài đảng trị!
Thái Ðộ Chính Trị. Không những đồng bào hải ngoại đòi bãi bỏ độc đảng, thiết lập đa nguyên đa đảng, mà ngay cả những đảng viên cộng sản cùng các phần tử tiến bộ ở trong nước cũng đòi như vậy. Cần hiểu rằng: chống độc tài, độc đảng, chống tham nhũng, chống đường lối sai lầm của cộng sản, không phải là chống nước Việt Nam mà là mong cho nước Việt Nam khá hơn, tiến hơn.
Nếu có ai nghĩ rằng cộng sản Việt Nam ngày nay đã “đổi mới” một chút thì nên biết rằng do sự sụp đổ của cộng sản Ðông Âu, do sự đấu tranh ở trong và ngoài nước, do áp lực quốc tế và do nguy cơ tan rã của đảng nên cộng sản Việt Nam bắt buộc phải đổi mới về kinh tế (mà không chịu đổi mới về chính trị)! Tuy mình không làm chính trị nhưng mình phải có thái độ chính trị, mình phải tiếp tục ủng hộ các cuộc đấu tranh sao cho đất nước có dân chủ tự do thật sự.
Tổng bí thư của cộng sản Việt Nam đã nhận rằng cộng sản Việt Nam có “phạm nhiều sai lầm”. Chúng ta hỏi: sai lầm sao không sửa, sao không công khai xin lỗi quốc dân, sao không trả lại ruộng đất nhà cửa cho các tư nhân và các giáo hội, sao không bồi thường cho các nạn nhân của vụ cải cách ruộng đất, của vụ Nhân Văn Giai Phẩm, của các đợt cải tạo công thương nghiệp, sao không bồi thường và xin lỗi những người bị bắt đi tù “học tập cải tạo”? Sự thực thì ai ai cũng muốn xóa bỏ hận thù, nhưng cộng sản Việt Nam cần phải hành động cụ thể cho nhân dân trông thấy. Nói “xóa bỏ hận thù, khép lại quá khứ, nhìn về tương lai” xuông thôi thì ích gì? Nói “đại đoàn kết” mà lại do đảng lãnh đạo (điều 4 hiến pháp cộng sản) thì ai mà tin được!
Chuyện Trong Gia Ðình. Bây giờ, nói chuyện trong nhà. Bố mẹ thuộc thế hệ trước, nuôi nấng các con theo quan niệm thời bố mẹ, cũng như ông bà nuôi nấng bố mẹ thời ông bà. Một vài lúc nào đó, có thể các con nghĩ rằng bố mẹ đã quá khắt khe với các con. Thời buổi ấy là như vậy. Mong các con quên đi những gì mà bố mẹ đã vô tình làm các con buồn lòng. Hãy nhớ rằng bố mẹ không đua đòi ăn chơi, không chi tiêu hoang phí, lúc nào cũng giữ một đời sống mực thước, và bố mẹ đã cố gắng làm việc và dành dụm để các con được sống đầy đủ, được học hành cẩn thận, dưới mái ấm của gia đình.
Vì tài sản của bố mẹ đã bị cs cướp hết rồi nên khi sang tới đất mới này, đời sống của chúng ta khá khó khăn. Bố mẹ đã nhận làm những công việc thật mệt nhọc. Các con đã chịu khó đi làm vất vả trong các dịp hè, và đã cố gắng học hành chăm chỉ, đến nay thì “đâu vào đấy”cả. Các con không bao giờ được tự mãn, nghĩ rằng mình tài, mình giỏi. Hãy nhớ: “Trông lên thì chẳng bằng ai, trông xuống chẳng ai bằng mình”. Cái tài, cái giỏi nếu có thì chỉ là một phần thôi, còn các phần khác là nhờ các thuận duyên, nhờ âm đức của tổ tiên và của chính mình, từ các kiếp trước và kiếp này. Các con phải luôn luôn sống đạo đức để bồi đắp cho cái nghiệp lành của mình, hệt như người dùng xe hơi phải lo “xạc điện” cho cái bình ắc-quy vậy. Gieo nhân lành thì sẽ hái quả lành. Luật nhân quả là một luật của trời đất, không sai được!.
Trong gia đình riêng của các con, bố mẹ khuyên: vợ chồng phải cư xử với nhau trong sự tương kính, phải nhường nhịn lẫn nhau. Không thể tránh được vài đụng chạm đâu, hãy khéo léo và bình tĩnh mà giải quyết mọi việc. Nóng giận là hỏng.
Còn đối với con cái, hãy thương yêu nhưng không được nuông chiều. Cần phải kiểm soát bạn bè của các cháu và phải liên lạc với cha mẹ của bạn bè các cháu để tìm hiểu cho chắc chắn; hư hỏng vì bè bạn trong xã hội này là một sự kiện rất phổ biến! Tivi, “ghêm”, “chat” .. , phải hạn chế, còn thể dục thể thao thì nên khuyến khích. Bản thân các con phải lo xếp thì giờ tập thể dục, sống một cuộc sống thăng bằng. Hãy rút kinh nghiệm của bố: lúc trẻ, bố miệt mài làm việc nhiều quá cho nên nay về già, bị cơ thể “hỏi tội”, đau lên đau xuống hoài!
Trong đời sống hàng ngày, phải luôn luôn tiết kiệm và bảo vệ môi trường sinh hoạt vì tài nguyên thế giới chỉ có hạn, chúng ta cần nghĩ đến các thế hệ mai sau. Dùng thứ gì cũng không được phí phạm, kể từ tờ giấy lau tay! Thỉnh thoảng, hãy cho các cháu coi hình chụp hay phim ảnh những trẻ em đói rét và cho các cháu biết rằng trên trái đất này còn rất nhiều người khổ cực.
Khi anh chị em cư xử với nhau, phải nhớ kỹ mấy câu “anh em như thể tay chân”, “chị ngã em nâng”, “một giọt máu đào hơn ao nước lã”, “một con ngựa đau, cả tàu không ăn cỏ”. Bí quyết là áp dụng chữ xaû. Hãy bỏ qua hết mọi khuyết điểm của anh chị em mình. Các con mà chia rẽ thì bố mẹ sẽ đau khổ vô cùng.
Trong xã hội này, vì bận rộn quá, người ta chỉ đủ thì giờ lo cho gia đình riêng nên có khi lơ là với đại gia đình, dù thâm tâm không muốn như vậy. Các con hãy đề cao tình đoàn kết trong đại gia đình. Với các con gái và con dâu, bố mẹ nhắc: các con hãy giúp chồng giữ liên lạc tốt đẹp với anh chị em và họ hàng nội ngoại.
Tiếng Việt Tại Nước Ngoài. Có vài điều đáng bàn. Các cháu là công dân nước này, với mọi bổn phận và quyền lợi của một công dân. Cuộc sống thực tế trong trường học cũng như ngoài xã hội bắt buộc các cháu phải nói Anh hay Pháp ngữ, và phải nói và viết thật giỏi, nếu không thì sẽ khó hòa đồng, bị lạc lõng và bị thua kém! Ði học, các cháu nói tiếng Anh hay tiếng Pháp (hoặc cả hai). Về nhà, các cháu thường nói với nhau bằng hai thứ tiếng ấy. Tuy các con thường bắt các cháu nói tiếng Việt trong gia đình, bố mẹ vẫn cảm thấy tiếng Việt của các cháu hãy còn kém. Nói tiếng Việt đã yếu, viết câu tiếng Việt còn tệ hơn, vì các cháu có tập đọc và viết chữ Việt thường xuyên đâu! Một vài giờ tiếng Việt vào cuối tuần ở trung tâm Việt ngữ với các cô giáo rất tận tâm cũng chưa đủ làm cho các cháu khá lên. Chỉ riêng việc học cách xưng hô theo tiếng Việt đã là khó nhất thế giới rồi!
Ðồng bào ta ở hải ngoại luôn luôn nhắc đến việc bảo tồn tiếng Việt. Bố mẹ cũng nghĩ như vậy. Nhưng xét cho cùng, một đứa trẻ không thể kể là hai đứa trẻ (Việt & Canada hay Việt & Mỹ) nhập làm một được! Nếu ép quá thì sức của chúng chịu không nổi. Còn thể thao, còn âm nhạc nữa chứ. Vậy ta phải khéo chọn đúng liều lượng, đừng biến đứa trẻ thành “cái máy học”! Các cháu sẽ phải vươn lên ở đất nước này. Các con cần chuẩn bị sao cho chúng sống thích hợp với môi trường và sống thoải mái tại đây.
Xã Hội Âu-Mỹ. Xã hội này là một xã hội tiêu thụ quá mức. Các con không nên để mình bị lôi cuốn dễ dàng vào các trò tiếp thị khéo léo nhằm xúi giục chúng ta mua hàng thả dàn. Chúng ta dễ bị ảnh hưởng của quảng cáo, ngay cả trong khi chúng ta đang bị các nhà băng và các hãng bảo hiểm bao vây, chi phối. Các con cần “thiểu dục, tri túc” tức là “ít ham, biết đủ”, chỉ mua thứ cần thiết, không có không được mà thôi! Nhà, xe cũng vậy; an toàn và đủ dùng cho sinh hoạt hàng ngày là được rồi. Tránh nợ nhiều. Thảnh thơi thì hơn! Bố mẹ không nói lý thuyết xuông đâu, xã hội bây giờ xuống dốc về đạo đức, về tâm linh, chỉ vì hướng ngoại nhiều quá, lo về vật chất nhiều quá, ích kỷ quá, chẳng tìm thấy hạnh phúc ở đâu cả! Bớt ích kỷ, hãy nghĩ đến đồng loại, phải biết chia sẻ với đồng loại.
Riêng Phần Bố Mẹ. Già thì sẽ bệnh, bệnh rồi sẽ ... ra đi! Quy luật tự nhiên là vậy. Ðến ngày ấy, các con hãy lo thu xếp tổ chức tang lễ cho bố mẹ được trang nghiêm nhưng đơn giản. Nếu chôn cất bố mẹ ở một nghĩa trang thì, sau này, khi phải đi làm ăn nơi khác, các con sẽ thắc mắc vì ở xa không trông nom được phần mộ! Bố mẹ chọn cách hỏa táng, thuận tiện hơn; mà khỏi phải chiếm đất, vì đất rất cần thiết cho các thế hệ sau. Có thể đem trải tro của bố mẹ lên núi hay xuống sông, xuống biển. Cát bụi trở về cát bụi, có gì đâu! Thay vì đãi đằng ăn uống, các con nên dành tiền bạc góp vào các việc có ích lợi chung. Ðừng e thiên hạ chê cười, mọi người sẽ hiểu và sẽ tán thành.
Có một chi tiết như thế này: nếu chẳng may, bố hay mẹ ngã bệnh mà phải chịu một “đời sống thực vật”, các con hãy can đảm chọn giải pháp rút các ống trợ sinh; kéo dài làm chi, chỉ gây khổ cho mọi người!
Bàn Thờ Gia Ðình. Trong hoàn cảnh ngày nay, khó lập bàn thờ ngay trong nhà. Nhớ đến tổ tiên, ông bà nội ngoại, cha mẹ, các con có thể bày ảnh nơi trang trọng nhất ở trong nhà để tỏ lòng tôn kính và để tự hứa không bao giờ làm tổn hại gia phong. Ðến ngày giỗ, xếp một bàn nhỏ, bày một chén nước trong, vài bông hoa thơm, mấy trái cây tươi và một nén nhang (nhang điện cũng được) là đủ, vì lòng thành của các con và các cháu mới là quý. Bố mẹ nói “các cháu” là có ý nhắc các con cần cho các cháu biết ý nghĩa ngày giỗ của dân tộc Việt Nam. Vào những ngày giỗ, các con hãy nghĩ thiện, làm lành nhiều hơn các ngày khác, hãy chia sẻ chút đỉnh cho người nghèo, hãy gom quần áo dư để dành cho các hội từ thiện. Nếu anh chị em nhân ngày giỗ mà về họp mặt ở một nơi thì thật là tốt vì tình thân gia đình sẽ nhờ đó mà tăng lên.
Mong các con đọc kỹ thư này, suy nghĩ đến nơi và cố gắng thực hành những lời dặn của bố mẹ.
Bố mẹ cám ơn tất cả các con đã luôn luôn tận tâm săn sóc bố mẹ từ bao nhiêu năm nay và đã lo toan đầy đủ để cho bố mẹ được thoải mái, vui hưởng tuổi già.
Hôn các con thật lâu!
Hôn các cháu thật lâu!
Bố Mẹ
~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~
~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen